Những người đàn bà “không chân”

Hôm nọ dì Sáu từ quê ghé xuống nhà mình chơi, mấy năm rồi dì mới ghé được xuống một lần. Quãng đường chỉ mười bảy cây số, dì đi xe buýt hết nửa tiếng tới đầu con lộ, rồi đi bộ thêm một quãng đường dài từ trạm xe buýt mới tới nhà mình. Ngày trước khi phố chưa có xe buýt chạy, mỗi lần muốn xuống thành phố là dì phải đạp xe đạp, đi chừng hơn cả tiếng đồng hồ mới tới rồi lại cóc cách đạp xe về.

Trong ký ức của mình vẫn còn những ấn tượng khi dì Tư, dì Sáu đạp xe từ quê xuống thành phố ghé nhà mình chơi. Đó là những dịp hiếm hoi vì đường xa cách trở, mẹ mình và mấy dì chỉ có những dịp giỗ chạp mới gặp lại nhau, mà một năm chỉ có một, hai cái giỗ như thế.

Thế hệ của mẹ mình hay mấy dì ở trên ngoại, không ai biết đi xe gắn máy và cũng không đủ điều kiện để thi bằng lái xe máy. Đơn giản chỉ vì ít học, đàn bà ngày trước chỉ học lớp bình dân học vụ cho biết mặt chữ và cách tính số cộng trừ nhân chia đơn giản, không có học cao nên không thể nào đọc hiểu và ôn luyện hết bộ đề thi bằng lái xe mấy chục câu. Chưa kể là trước giờ chỉ quen đi xe đạp, không phải nhà ai cũng có điều kiện mua xe gắn máy – thời đó chiếc xe máy có giá trị bằng cả một gia tài – nên tay lái cũng không có vững.

Chính vì không biết đi xe máy, dù thời thế đổi thay, những người đàn bà gốc gác ở quê như mẹ mình hay mấy dì tới tận bây giờ cũng chỉ biết đi mỗi xe đạp và đi bộ. Và vì không có xe gắn máy, cuộc sống của họ phần lớn chỉ quanh quẩn trong xó bếp, trong nhà và loanh quanh xóm làng, không thể nào đi xa được khỏi phạm vi đó.

Như xóm cảng của mình bây giờ ngày càng đìu hiu, ở đây chỉ có một cái chợ nhỏ buôn bán cho dân khu vực này, nhưng càng ngày buôn bán càng ế ẩm nhiều sạp hàng dẹp bớt. Đồ ăn quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nhiêu đó, có nhiều món rau đơn giản nhiều khi cũng không có. Muốn mua nhiều thứ hơn thì phải đi lên chợ lớn, cũng là chợ trung tâm thành phố, cách nhà mình chỉ độ vài cây số và băng qua con đường lớn. Quãng đường vài cây số đó với mẹ mình là rất xa, không thể nào đi bộ được nên mẹ đành chấp nhận chợ nhỏ bán gì ăn đó, nhiều khi muốn mua muốn nấu món khác nhưng cũng đành lực bất tòng tâm.

Từ hồi mình về, mẹ cứ hay bảo mình để tính mua chiếc xe đạp rồi đạp lên chợ lớn đi chợ. Nhưng năm lần bảy lượt mẹ cứ lần lữa, vì mua rồi lại sợ không có đi, vì nhà có tới tận 4 chiếc xe máy để thì lại choáng chỗ. Chợ lớn đối với mẹ cũng giống như bên kia sông với bên này sông, trông qua thì thấy nhưng không thể nào với tới được. Cái chợ lớn thôi mà đã còn như vậy thì siêu thị với mẹ hay mấy dì của mình như chuyện ở tận cung trăng.

Không phải mình không chở mẹ mình đi được, mà những người lớn như mẹ ngại đi, ngại phiền, ngại tốn kém. Thế giới ở những nơi đó là thứ gì đó xa xăm và mơ hồ với mẹ, nên mẹ không thấy an tâm được. Mẹ chỉ an tâm với xó bếp, với nhà mình, với con đường đi mòn gót xóm trên xóm dưới.

Nói đoạn này, mình chợt nhớ một trong những cảm giác làm mình thấy tự hào là khi dẫn mẹ và dì Sáu đi dạo một trung tâm thương mại lớn ở Sài Gòn, khi mẹ mình nhập viện hồi nhiều năm về trước. Lần đầu tiên hai người nhà quê được biết mùi trung tâm thương mại là thế nào.

Ngày trước ở Trung Quốc phụ nữ có tập tục bó chân, mà một trong những lý do sâu xa cũng là vì lề lói xã hội phong kiến muốn ràng buộc người phụ nữ ở trong nhà. Chân bó lại rất đau đớn, chân bị yếu nên không thể đi đâu xa được mà chỉ quanh quẩn trong xóm làng, như vậy đàn ông mới dễ quản lý.

Hôm nọ coi một đoạn clip trên TikTok kể về một người phụ nữ bán trái cây cắt sẵn ở Sài Gòn. Quầy trái cây nhỏ của cô trước giờ không có bảng hiệu, chỉ đơn giản vì cô không biết chữ. Cô bảo mình chỉ học tới lớp 1, không có biết chữ, thành ra từ nhỏ tới giờ cô chỉ đi được từ nhà ra chợ rồi từ chợ về nhà, không có đi đâu xa được vì không có đọc được bảng tên đường.

Ở một xứ sở như Việt Nam, những người phụ nữ không biết đi xe máy và không biết chữ, hay ít chữ là một thiệt thòi rất lớn. Trong khi đàn ông ra ngoài ngao du khám phá thế giới, đàn bà chỉ ở quanh góc nhà lo chuyện bếp núc. Họ có chân mà cũng như không có chân…

2 thoughts on “Những người đàn bà “không chân”

  1. GiaĐịnh

    Trích: “Từ hồi mình về, mẹ cứ hay bảo mình để tính mua chiếc xe đạp rồi đạp lên chợ lớn đi chợ.”

    Cháu hiện ở quê nhà với mẹ cháu. Cháu nên mua một chiếc xe đạp hợp với phụ nữ lớn tuổi hay đi chợ để biếu mẹ cháu. Có xe đạp trong nhà sẽ tiện cho cả hai mẹ con.

    LGĐ

  2. Hồi xưa mẹ em cũng thường chạy xe máy chở em đi học thêm. Nhưng sau này lớn tuổi, tay lái không còn vững nên bà chỉ còn dùng xe đạp đi chợ loanh quanh, còn đi đâu xa hơn thì em lại chở mẹ.

Bình luận để chia sẻ