Những tiếng rao chơi vơi

Từ dạo dọn về sống ở quê, mình chợt nhận ra mình nghe tiếng rao nhiều hơn quãng mười năm trước đó sống ở Sài Gòn. Khi còn ở thành phố, ngồi trong những tòa “buyn-đinh” lộng kính cao tầng, cách âm hoàn toàn với không gian phố thị bên ngoài, mình hiếm khi nghe thấy những tiếng rao văng vẳng trên đường, dầu những người bán hàng rong vẫn tất tả đi mọi ngả mỗi ngày. Khi về phòng trọ, ở trên một chung cư cao tầng, cũng hiếm lắm mới nghe thấy tiếng rao vọng lại vì âm thanh đô thị ồn ã náo nhiệt, luôn bủa vây bởi những công trình.

Ấy vậy mà khi về quê, mình như trở lại không gian sống của những năm 2000, khi vẫn còn những cô quẩy gánh hàng rong hay bưng mâm đội thúng đi bán dạo khắp nẻo đường sớm hôm. Nhưng dần dà, những tiếng rao mộc mạc bằng chất giọng chân phương cũng dần vụt tắt, lụi tàn qua năm tháng, khi từng cô chú bán hàng rong rụng dần vì tuổi tác, vì cuộc mưu sinh, hay vì đã đến lúc phải giải nghệ khỏi một cái nghiệp kéo dài cả một đời người. Có những gánh hàng rong mình ăn từ hồi nhỏ xíu, giờ vụt lớn nửa đời người mà họ vẫn còn bươn chải nắng mưa. Có cô bán từ thủa xuân thì, giờ trên đầu tóc đã điểm bạc phân nửa.

Những tiếng rao mộc dần nhường lại cho tiếng rao của máy, bắt vào những chiếc loa phát tự động. Nhưng đừng tưởng tiếng rao của máy thì công nghiệp, đơ cứng hay máy móc, trong đó vẫn ẩn chứa nỗi niềm và sự khắc khoải của cuộc mưu sinh. Độ mấy tháng gần đây mình hay nghe tiếng rao của một anh bán tàu hũ đá, dân gốc miền Tây, hai vợ chồng đến đây lập nghiệp. Anh lãnh tàu hũ từ một bà rồi chở đi bán dạo mỗi ngày. Món tàu hũ đá miền Tây của anh thì không giống kiểu dân Bình Thuận hay ăn, phần tàu hũ trắng thì y chang, nhưng thay vì ăn với nước đường nấu với gừng kèm nước cốt dừa thì phần nước đường của anh lại có nhãn nhục. Mỗi hộp 15 ngàn, ăn kèm đá lạnh. Từ dạo cô tàu hũ quen giải nghệ, mẹ mình hay mua ủng hộ anh này mỗi lần 5-6 hộp để dành ăn dần. Mình thì kị đồ quá ngọt, lần nào ăn cũng chỉ đổ phân nửa bịch nước đường.

Đến một hôm, anh nói với mẹ mình rằng hôm nay anh bán bữa cuối, từ mai không có bán nữa vì bán ế quá cô ơi, nhiều khi chạy cả ngày trời mà bán chỉ được dăm ba hũ, còn tồn hàng quá trời. Hàng dư đem trả lại bên lấy thì người ta không chịu nhận, thành ra anh bị lỗ vốn. Nghe mẹ kể lại như vậy, mình cũng thoáng buồn nhẹ, vì vừa mới quen với vị tàu hũ đá của anh tầm hơn tháng nay. Tưởng rằng anh nghỉ thiệt, ai ngờ vài hôm sau lại nghe tiếng rao tàu hũ đá quen thuộc. Hóa ra bên người nấu thấy anh tội nghiệp, kêu anh cứ lấy hàng đi bán tiếp, còn dư thì họ nhận lại. Ca sáng tới trưa anh chạy vòng vòng khắp thành phố bán tàu hũ, tới chiều đi phụ ở lò bánh mì kiếm thêm. Nghe đâu hai vợ chồng anh có một đứa con nhỏ mới sinh.

Bên cạnh tiếng tàu hũ đá rao bằng máy, còn thêm tiếng rao bánh bao nóng hổi đây quen thuộc cũng bằng máy, mình nghe riết rồi bị lậm mỗi ngày, dù chưa một lần ăn thử. Tiếng rao bắt đầu từ buổi trưa, cứ thế đi một vòng thành phố, rồi tới tầm chín mười giờ tối lại vang lên ở khu mình. Có những lúc tầm gần mười một giờ đêm, ngồi trên tầng cao nghe tiếng rao bên ngoài ô kính cửa sổ, mình không biết giờ đó anh bán ổn không, còn ai muốn lót dạ đêm khuya hay không.

Mỗi khi nghe những câu chuyện của người nghèo mình lại thấy chạnh lòng, vì bên ngoài kia đời sống con người ta khổ sở phần nhiều, không phải ai cũng có được may mắn như mình. Những ai sinh ra trong một hoàn cảnh sống tốt đẹp, ít khi tiếp xúc với tầng lớp lao động thì sẽ khó cảm thông hay động lòng với nỗi cơ cực của họ, cơ bản cũng vì họ chưa nếm mùi nỗi khổ là gì. Như một cô em mình quen sinh trưởng trong một gia đình trí thức, nội ngoại đều giàu có, em cảm thán với mình sao em thấy thấy người nghèo khổ, xin ăn trên đường, em không có thấy tội nghiệp hay thương cảm gì cho người ta hết.

Có những người trí thức học cao hiểu rộng, đôi khi thường có lối tư duy của người có nhiều đặc quyền, thường hay bình phẩm theo kiểu đã nghèo còn bày đặt đẻ con cho nhiều, hay nghèo mà không có đầu óc kinh doanh làm ăn, chỉ biết tính toán mấy chuyện lặt vặt thì sao mà giàu nổi. Nhưng họ không hiểu rằng, nghèo không chỉ là cái số, nghèo còn do hoàn cảnh. Người ta sinh trưởng trong môi trường lao động bình dân, không có học hành tới nơi tới chốn, làm sao có được suy nghĩ của người ăn học đầy đủ lên bậc cử nhân, thạc sĩ hay sống trong gia đình trí thức trưởng giả? Đâu có ai muốn đẻ con mà không thể lo được cho con, nhưng đâu có ai dạy cho người nghèo phải biết nhìn xa trông rộng hay lên kế hoạch 5 năm, 10 năm. Đang cơn mắc ấy mà hổng cho ấy sao đặng?

Chung quy sống ở đời, mình không sống trong hoàn cảnh của người ta, không đeo mang những cái background sinh trưởng của họ thì không thể nào hiểu được họ. Biết được như vậy thì ta bớt phán xét người khác lại mà bao dung hơn với những thân phận khác trên đời. Đâu ai sinh ra mà muốn mình sau này lớn lên sẽ thành người nghèo.

Với những bạn đi làm văn phòng, ngồi trong những tòa nhà máy lạnh chạy phà phà sang chảnh, nhiều khi cảm thấy mệt mỏi chán chường trầm cảm stress overthinking các kiểu, nếu một lần xách xe máy chạy một vòng thành phố giữa trưa nắng trời để bán hàng, mới biết bạn vẫn còn sướng lắm mà chưa biết hưởng, và cái nơi bạn chê lên chê xuống chê ỏng chê eo đó, có bao vạn cuộc đời ngoài kia muốn ngồi vô vị trí của bạn mà không được. Vì đơn giản là cuộc đời không dành cho họ đặc quyền đó.

***

Cứ đều đặn mỗi sáng mỗi trưa mỗi chiều mỗi đêm, mình cứ nghe những tiếng rao cả người lẫn máy len lỏi khắp nơi trong thành phố để bắt đầu một ngày mưu sinh. Có đôi lúc tiếng rao lọt thỏm giữa lòng thành phố, khiến bao người nghe thấy chơi vơi một khoảnh bên đời…

4 thoughts on “Những tiếng rao chơi vơi

      1. ha ha lại đúng nè, lúc t đọc bài là ngồi ở văn phòng, và đồng nghiệp t có 1 pha đứng từ tầng 4 gọi với xuống lòng đường chị bánh rán ơiiiiiiiiiiii, nhanh lên chúng mày ơi bà ý đi mất rồi

Bình luận để chia sẻ