Sự nổi loạn tiềm ẩn bên trong

noiloan.jpg

Những trải nghiệm trong giấc mơ phản ánh phần nào bản ngã thật sự của mình, khi ý thức lúc ấy ngủ yên để cho tiềm thức trỗi dậy. Chúng ta hành xử theo một cách bản năng mà bình thường ở đời thực, ta không bao giờ dám nghĩ mình có thể làm như vậy.

Như sáng nay, mình có một giấc mộng dẫn một đoàn khách đi nghỉ dưỡng tại một khu nhà ở gần nhà ngoại mình. Ở lần trước, người sắp xếp địa điểm dẫn tới một khu rất tốt, nhưng lần này lại dẫn tới một căn nhà nhìn bề ngoài thì tươm tất nhưng bên trong mọi thứ lại quá lộn xộn, và vốn dĩ nó là căn nhà chuyên dùng để mai táng. Khi nhìn những chuyện bất xứng ý trong ngôi nhà, không hiểu sao mình lại tức giận đạp đổ rất nhiều thứ và nổi điên lên với người giới thiệu địa điểm đó xong rồi bỏ ra ngoài.

Khi đi về nhà ngoại mình gần đó, túi đựng đồ skincare của mình bị mọi người lục tung lên và tụi con nít quăng đi khắp nơi. Khi thấy cảnh đó, một lần nữa mình lại nổi trận lôi đình quát tháo mọi người và vứt bỏ hết cả nguyên túi đồ.

Đến khi ra ngoài quán của dì Tư, mình lấy một phần bánh ăn tối, nhưng đến khi cầm cái bịch bánh đem về thì do việc gói bánh cẩu thả nên bị rớt phần vỏ bánh và nhân xuống đất, mình bực bội ném luôn cái bánh xuống dưới chân và giẫm nát không thương tiếc.

Một pha liên hoàn tức giận – nổi điên – đập phá đồ đạc xảy ra trong một chuỗi tình tiết trong mơ mà tỉnh dậy tự nhiên cảm giác thấy rất đã như được… xả stress. Có lẽ vì trong đời sống thực tế, mình luôn là người nhẫn nhịn và kiềm nén bản thân nhiều, có nhiều chuyện với người thường họ đã dễ dàng nổi đóa lên thì với mình vẫn còn trong giới hạn chịu đựng. Giới hạn cực điểm đến mức trước giờ số người hay số chuyện có thể làm mình phản ứng thái quá lên như cách hành xử trong mơ chắc chưa tới hai đầu ngón tay.

Nhưng mình luôn biết một điều rằng, tiềm ẩn bên trong mình là một ngọn núi lửa có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi được kích hoạt đúng giới hạn, và hậu quả thì không ai có thể lường trước được.

Gần đây đi ăn với vài người bạn cũ, nghe các bạn kể chuyện đi làm công sở gặp mấy đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn tới 4, 5 tuổi nhưng thái độ và cách hành xử với người lớn rất hỗn láo. Ôi mình nghe kể thôi mà đã phẫn nộ giùm, nếu trong tình huống đó mà gặp trúng mình thì mình đã dập những đứa đó tơi bời hoa lá để cẩn trọng hơn trong lời nói và cách hành xử với người khác.

Thật sự là sau một quãng thời gian dài ở trung học bị cảnh bắt nạt, tới khi trưởng thành mình luôn háo hức trông đợi cảnh có thể phản kháng được những người bắt nạt, lấn lướt mình, nhưng tiếc là tự dưng tới lúc trưởng thành thì những người xung quanh ai cũng nể nang và nhường nhịn mình, không ai dám làm gì nên không có tình huống nào để phản kháng.

Mỗi lần xem phim có mấy nhân vật hiền hiền dễ bị ăn hiếp xem thấy mà tức, và tới lúc nhân vật tức giận phản kháng lại bọn đã ăn hiếp mình xem mới thấy hả dạ.

Quy luật bất biến của đời sống là kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé. Trong tự nhiên, thú dữ luôn là nỗi sợ của động vật ăn cỏ hiền lành như nai, thỏ. Trong xã hội cũng không khác gì, người càng hiền chưa chắc đã gặp lành nhưng bị ăn hiếp là điều chắc chắn trong bất cứ môi trường nào.

Việc nhẫn nhịn, dĩ hòa vi quý là tốt, nhưng cần có chừng mực, vì chuyện nào cũng nhẫn nhịn sẽ khiến đối phương nghĩ mình cam chịu, hèn nhát, không dám làm gì. Nếu bạn ở trong tình huống này, hãy thử một lần nổi loạn: quát lại vào mặt đối phương hay làm một hành động mạnh gây ra tiếng động lấn át, như đập bàn, hay đập đồ, đạp đổ gì đó cái rầm thì trong một phút bất ngờ đối phương sẽ hết hồn và bị vô hiệu hóa bản năng kẻ mạnh. Trong lúc đối phương đang bị đóng băng, bạn cần liên hoàn tấn công bằng lời nói, cử chỉ và thái độ quyết liệt, tránh để đối phương khôi phục lại phần bản năng kẻ mạnh thì bạn sẽ bị lấn át ngược lại.

Lời khuyên trên có lẽ chỉ hữu ích với những bạn hướng nội, ít dám bộc lộ bản thân mình ra ngoài. Nhưng nghe mình đi, ai cũng phải nổi loạn một lần trong đời nếu không muốn để bản thân phải là người nổi quạu trong lòng 😀

9 thoughts on “Sự nổi loạn tiềm ẩn bên trong

  1. Lúc nhỏ e thường nghĩ người hiền lành là người biết nhường nhịn, hòa nhã với người khác. Nhưng bây giờ thật sự e k thích kiểu người này lắm vì bản thân e cũng là người từng cố tỏ ra hiền lành thảo mai mà thực chất bản chất bên trong thì nóng như lửa. Vậy nên lâu ngày những chuyện khó chịu cứ tích tụ dần dần rồi nhiều người cứ nghĩ sự nhẫn nhịn của mình là mặc định, tới lúc nào đó chỉ cần chút chuyện ức chế là đã bùng nổ ầm ầm.

    1. Anh cũng giống em vậy đó, nhưng bây giờ thay đổi lại suy nghĩ. Hiền lành hay hung dữ là do lựa chọn của mình trong từng tình huống khác nhau. Tình huống nào cần dữ thì phải dữ tới nơi tới bến để không ai lấn lướt được mình.

  2. therealnow

    Trong lúc ngồi thiền, mình cũng có thể thấy được phần tính cách thuộc vô thức, xu hướng phản ứng bản năng của mình ah. Lúc ý thức, ai cũng có đủ lý trí để hiểu mình nên như thế nào nhưng lúc vô thức – mệt mỏi, khó chịu, tức giận, … mình dễ phản ứng bản năng. Thấy rồi thì cũng cứ nhờ thiền mà trị (nghe đơn giản nhưng ko dễ). Sơn Tùng MTP có một câu nói hay: muốn ngồi ở vị trí ko ai ngồi được phải chịu được những cảm giác ko ai chịu được. Phật Tổ đúng như vậy: đã ngồi liên tục 49 ngày dưới gốc bồ đề, chịu đựng và khuất phục, buông xả được những điều người thường ko thể trước khi thành Phật. Chị vừa, lần thứ 4, trở về từ khoá tu thiền mà chỉ 10 ngày, và ngồi thiền 10 tiếng/ngày thôi đã thấy khổ như chết rồi.

    Tâm của mình là thứ gì đó khó để deal with. Luyện cực khổ như vậy, hiểu biết cách thức nhưng chị tất nhiên vẫn chưa tiêu trừ được ngay bản năng của mình đâu: người ta sai với mình thì mình vẫn còn theo bản năng đem cái sai của ng ta mà đi làm khổ mình – đó là phiền não, khó chịu, bực ví dụ.

    Theo sư Thầy dạy chị nói, Phật là danh xưng cho bất kỳ ai tu được: vô sanh, vô tham, vô sân, vô si, từ bi, hỷ xả (có trí tuệ).

    1. Từ bi luôn cần đi liền với trí tuệ và dũng cảm. Bi không có trí là bi mù quáng, bi không có dũng là sự nhu nhược.

      Còn về chuyện Đức Phật & giáo lý thì mình xin phép không lạm bàn, vì tranh cãi về tôn giáo không dẫn đến đâu cả khi quan điểm 2 bên vốn đã khác biệt 🙂

Bình luận để chia sẻ